Hướng dẫn quy trình nuôi cấy nấm Trichoderma tại nhà
- Nấm Trichodema là chủng nấm có khả năng đối kháng mạnh với các vi sinh vật gây hại khác như nấm Fusarium, Phytopthora, Sclerotium.v.v…bên cạnh đó là khả năng tiết ra nhiều loại enzyme ngoại bào đặc biệt là Xenlulaza nên có thể dùng trong việc bổ sung khi ủ phân chuồng giúp rút ngắn quá trình ủ và chất lượng phân được tốt hơn.
Việc nuôi cấy nấm Trichoderma tại nhà cũng khá đơn giản với quy trình được trình bày trong sơ đồ nuôi cấy dưới đây.
Tuy nhiên có một số yêu cầu ở các giai đoạn mà người thực hiện cần lưu ý như sau:
1. Chuẩn bị môi trường nuôi cấy
- Nguồn nguyên liệu dùng nuôi cấy khá phong phú như : gạo, cám gạo, cám mì, cám bắp, bã thải nấm hay thậm chí là cơm nguội.v.v… Sau đây là một số cách phối trộn môi trường:
*MT1: Gạo 70% + cám gạo 15% + cám bắp 15%, thêm nước, trộn đều rồi đem nấu như nấu cơm, sau khi chín thì vớt ra khay để nguội và giảm bớt độ ẩm.
Lưu ý: chọn gạo khô, càng ít nở càng tốt. Lương nước cho vào nấu vừa phải không để cơm nhão. Môi trường sau khi nấu thấy hạt cơm rời, không dính lại với nhau là đạt yêu cầu.
*MT2: Bã thải trồng nấm 70% + cám gạo 15% + cám bắp 15%, thêm nước, trộn đều. Để kiểm tra độ ẩm có thể dùng tay lấy một ít môi trường đã trộn với nước, bóp chặt mà không thấy nước chảy thành giọt đồng thời khối môi trường kết dính không rời ra là đạt độ ẩm yêu cầu từ 45 – 60%.
*MT3: Cơm nguội phơi hơi dốt dốt (phơi 1 nắng cho giảm độ ẩm), với loại môi trường này có thể thêm cám bắp, cám mì.v.v… có tỉ lệ giống với MT1 ở trên.
Sau khi đã chuẩn bị xong môi trường thì cho vào bịch nylon kiếng dày (loại 1 - 2kg không biến dạng khi hấp cách thủy). Dùng ống nước có đường kính 5cm làm cổ bịch. Dùng bông không thấm nước để làm nút bông, hay dễ nhất là dùng giấy bạc có thể mua ở các cửa hàng tạp hóa làm để làm bịt cổ bịch lại (có thể tham khảo thêm cách làm cổ của phôi trồng nấm).
- Lượng môi trường đưa vào không quá 2/3 bịch nếu nhiều quá sẽ làm cho quá trình thanh trùng kém hiệu quả.
2. Thanh trùng môi trường nuôi cấy
- Để thanh trùng môi trường có thể dùng nồi lớn (giống nồi nấu bánh tét) cho nước vào 1/3 nồi. Đặt môi trường vào nồi sao cho không được chạm nước hay ngập nước đã cho vào trước đó vì đây là phương pháp hấp cách thủy. Đậy thật kín sao cho hơi nước không thoát ra ngoài khi đun.
- Sau khi đã chuẩn bị xong thì đặt lên bếp và tiến hành đun sôi trong 3 – 5 giờ, sau đó lấy môi trường ra để nguội, bổ xung nước vào nồi rồi lại tiếp tục đun cách thủy trong 2 giờ rồi lấy môi trường ra đề nguội. Đến đây kết thúc quá trình thanh trùng.
Lưu ý: lượng nước cho vào nồi hấp phải ước lượng sao cho không bị cạn nước, vì thời gian đun lâu có thể hết nước gây khét môi trường.
- Môi trường sau khi đã nguội thì tiến hành cấy giống. Việc cấy giống phải tiến hành nơi sạch sẽ, khô ráo. Mở nắp bịch môi trường đưa giống vào bên trong rồi nhanh chóng đậy kín lại. Lượng giống đưa vào thì tùy vào nơi cung cấp giống mà thực hiện.
- Người cấy giống cần phải rửa tay bằng cồn 90o trước khi cấy.
- Việc cấy giống phải tiến hành bên ngọn lửa đèn cồn. Đèn cồn và cồn đốt có thể mua ở cửa hàng hóa chất hay có thể chế tạo từ đèn dầu.
- Tốt nhất là nên chuẩn bị một tủ bằng kính giống hồ cá loại nhỏ (Dài x Rộng x Cao là 60 x 40 x 50 cm) để làm nơi cấy giống. Trước khi cấy nên dùng bông thấm cồn lau sạch tủ cấy, đợi cồn bay hơi hết thì đốt đèn cồn rồi tiến hành cấy. Lưu ý là cồn đốt rất dễ bắt lửa nên khi thao tác cần phải thật cẩn thận.
- Sau khi đã cấy giống vào môi trường thì tiến hành nuôi cấy ở nhiệt độ bình thường của nơi ở. Cần chọn nơi khô ráo, tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp, nhiệt độ thích hợp là từ 25 – 35oC.
- Thời gian nuôi cấy tùy theo chủng giống có thể kéo dài từ 5 – 10 ngày. Tuy nhiên cách để nhận biết thời điểm kết thúc nuôi cấy có thể xác định khi thấy bào tử màu xanh đặc trưng của nấm phủ lấy toàn bộ môi trường.
- Với môi trường MT1 và MT3: sau 2 – 3 ngày nuôi cấy sẽ thấy sợi nấm xốp, màu trắng như bông bao lấy môi trường khi đó mở nút bông hay giấy bạc ra để thoáng khí cho nấm phát triển và tạo bào tử. Chỉ mở nút bông, giấy bạc mà không mở hẳn cổ bịch vì có thể làm nấm bị nhiễm tạp.
- Với môi trường MT2: sau 5 ngày nuôi cấy thấy nấm phát triển từ sợi nấm màu trắng và chuyển qua hơi xanh lục hay xanh rêu thì mở bịch và đổ ra khay rồi trộn đều khối môi trường với nấm (bề dày của môi trường đổ ra khay không quá 3cm). Kiểm tra độ ẩm, nếu thấy khô thì thêm nước để đạt độ ẩm như đã hướng dẫn ở trên. Khay nấm tiếp tục được nuôi cấy tiếp đến khi nào bề mặt môi trường phủ đầy bào tử nấm màu xanh thì dừng lại.
Giai đoạn này tùy theo mục đích sử dụng mà có thể tiến hành khác nhau.
- Dùng bón gốc, ủ phân: thu nhận ngay nấm trộn với phân bón gốc hay trộn với nguyên liệu dùng ủ phân. Vì mật độ bào tử sau nuôi cấy có thể đạt tới 100 triệu bào tử trong 1g của sinh khối sau thu nhận nên có thể trộn 1kg sinh khối và bào tử nấm với ít nhất là 100kg phân hay vật liệu dùng ủ phân. Nên pha loãng trong nước để trộn cho đều.
- Dùng phun xịt: để phun xịt nên dùng MT1 và MT3 nuôi cấy nấm.
Cách 1: Sinh khối và bào tử nấm sau khi thu nhận nên sấy khô bằng cách cho vào tủ sấy ở nhiệt độ 50oC. Nếu không có tủ sấy thì để khô tự nhiên trong vài ngày, không được phơi trực tiếp dưới ánh sáng mặt trời. Sau khi đã khô có thể xay bằng máy xay sinh tố hay giã thật nhuyễn. Lưu ý vì bào tử nấm rất nhẹ khi xay hay giã có thể bay khắp nơi nên phải tiến hành thật cẩn thận. Với cách này bột bào tử và sinh khối có thể bảo quản 3 – 5 tháng trong tủ lạnh.
Cách 2: Sinh khối và bào tử sẽ được hòa vào nước, lấy phần dịch mà bỏ đi phần rắn bằng rây bột với kích thước nhỏ. Dịch sau thu nhận có thể hòa thêm với nước tỉ lệ 1 : 100 rồi phun lên lá. Cách này thì dịch chỉ có thể bảo quản lạnh trong 3 – 5 ngày, nếu để lâu hơn có thể bị hỏng và hóa thành màu đen.
- Nhìn chung để nuôi cấy nấm Trichoderma tuy đơn giản nhưng với người mới làm lần đầu thì hơi phức tạp tí xíu. Nhưng chỉ cần có đam mê thì việc gì cũng có thể làm được.
Theo agriviet
0 Nhận xét